Bạch chỉ (danh pháp hai phần: Angelica dahurica) là một loài thực vật thuộc họ Hoa tán (Apiaceae) phân bố nhiều ở Đông Siberi, đông bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
Trong y học cổ truyền, bạch chỉ cũng là tên gọi của một vị thuốc Bắc (chữ Hán: 白芷, tên dược học: Radix Angelicae) được bào chế từ rễ cây bạch chỉ phơi hay sấy khô.
Tính vị : vị cay, tính ấm
Thành phần hóa học:
– Trong bạch chỉ có: Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phellopterin, Byak-Angelixin, Izobyakangelicol, Anhydrobyakangelixin, Angelicol, Xanthotoxin, Neobyakangelicol, Marmesin, Nodakenetin, Scopoletin.
– Trong xuyên bạch chỉ: Bergapten, Umbelliferon, Anomalin, Angelicotoxin, Byakangelixin, Byakangelicola, axit angelic và tinh dầu.
Tính vị qui kinh:
– Vị cay, tính ôn.
– Qui kinh Phế, Vị, Đại trường.
Tác dụng dược lý:
Theo Y học cổ truyền:
– Có tác dụng: tán hàn, phát biểu, khứ phong, thẩm thấp, hoạt huyết, bài nùng, sinh cơ, chỉ thống, giải độc.
– Dùng để làm thần kinh hưng phấn, làm cho huyết trong toàn thân vận chuyển mau chóng, làm thuốc thư cân, ra mồ hôi, chữa nhức đầu, cảm mạo, răng đau, các bệnh về đầu, mặt, xích bạch đới, thông kinh nguyệt. Còn làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam. Dùng ngoài chữa sưng vú, tràng nhạc, ghẻ lở, đỡ đau hút mủ.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
– Giảm đau: làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt.
– Hưng phấn trung khu thần kinh: với liều nhỏ angelicotoxin có tác dụng hưng phấn trung khu vận đông huyết quản, trung khu hô hấp, dây thần kinh phế vị làm cho huyết áp tăng, mạch chậm, hơi thở kéo dài, chảy dãi và nôn mửa. Với liều lớn dẫn tới co giật và tê liệt toàn thân.
– Kháng khuẩn: Ức chế trực khuẩn lỵ, thương hàn, vi khuẩn Gram dương, đối với vi khuẩn lao ở người có tác dụng ức chế rõ rệt.
Một số ứng dụng:
– Trị cảm mạo:
+ Đau đầu (đau trước trán nhiều) thường phối hợp với Phòng phong, Khương hoạt.
+ Ở phụ nữ có thai và sau đẻ bị cảm, đau đầu dùng thuốc kết hợp với Xuyên khung (Khung chỉ hoàn) hoặc dùng bài Khu phong thanh thương ẩm: Bạch chỉ 12g, Xuyên khung 4g, Phòng phong 12g, Khương hoạt 8g, Hoàng cầm 8g, Sài hồ 8g, Kinh giới 8g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.
– Trị các loại đau khác: như đau đầu do thần kinh (đau nửa đầu) do viêm mũi, viêm xoang, đau lợi răng, đau thần kinh mặt, đau dạ dày:
+ Dùng bài Đô lương hoàn: Bạch chỉ tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 6-12g; trị đau đầu trước trán nhiều) dùng: Bạch chỉ, Thương nhĩ, Tân di, mỗi thứ 12g, Bạc hà 6g, tán bột mịn, mỗi lần uống 4-12g trị viêm mũi, đau đầu.
+ Hoặc bài: Kinh giới, Phòng phong, Bạch chỉ mỗi thứ 12g, Thạch cao sống 20g, sắc uống trị đau lợi răng.
– Trị ung nhọt sưng tấy; rắn cắn: có tác dụng giải độc tiêu sưng bài mủ. Dùng bài: Bạch chỉ, Tử hoa địa đinh, Liên kiều, Qua lâu, Bối mẫu mỗi thứ 12g, Bồ công anh, Kim ngân hoa mỗi thứ 16g, Cam thảo 4g, sắc nước uống chữa được ung nhọt và viêm tuyến vú.
Bài Bạch chỉ hộ tâm tán: Bạch chỉ, Hùng hoàng, Nhũ hương, lượng bằng nhau uống với rượu ấm chữa rắn độc, rết cắn.
– Trị chứng Bạch đới phụ nữ: dùng bột Bạch chỉ và Mai mực lượng bằng nhau mỗi lần uống 12g.
– Chữa chứng hôi miệng dùng: Bạch chỉ, Xuyên khung mỗi thứ 30g tán bột mịn viên lại bằng hạt ngô, mỗi ngày ngậm 2 – 3 viên.Chú ý:
– Nôn mửa do hỏa: không dùng. Lậu hạ, xích bạch đới, âm hư hỏa kết, huyết nhiệt: không dùng.
– Không dùng đối với chứng đau đầu do huyết hư, ung nhọt đã vỡ mủ.
– Âm hư, huyết nhiệt: không dùng.
– Kỵ Tuyền phúc hoa (Bản Thảo Kinh Tập Chú).
– Ức chế Hùng hoàng, Lưu hoàng (Bản Thảo Cương Mục).
Nguồn : Wiki, Tổng hợp
